Cải thiện Reading IELTS hiệu quả với phương pháp SQ3R (phần 1)
Phương pháp SQ3R là gì ?
Phương pháp SQ3R được Francis P. Robinson, một nhà tâm lý học giáo dục nổi tiếng người Mỹ, giới thiệu lần đầu tiên vào năm 1946 trong cuốn sách do chính ông biên soạn: Effective Study (tạm dịch: học tập hiệu quả). Theo profile của ông trên Wikipedia, Robinson đã dành nhiều năm hướng dẫn các sinh viên đại học và cả quân nhân cách tiếp thu tất cả những thông tin và kiến thức có trong sách giáo khoa.
Với cùng mục tiêu như trên, SQ3R (viết tắt cho 5 bước Survey, Question, Read, Recite, Review) ra đời giúp người học chủ động hơn trong cách tiếp cận một bài đọc, bài báo, hay thậm chí chỉ là một đoạn văn nhỏ. Tuy nhiên, bạn đọc cần lưu ý, phương pháp này không nên sử dụng trong phòng thi vì thời gian thi có giới hạn. Thay vào đó, bạn đọc áp dụng SQ3R khi luyện đọc tại nhà, thoải mái về thời gian để tiếp thu kiến thức và luyện đọc một cách tốt nhất
Đối tượng có thể ứng dụng phương pháp SQ3R
Như đã đề cập ở phần trước, SQ3R là một phương pháp hiệu quả dành cho kỹ năng đọc hiểu vì nó chủ động hóa cách tiếp cận của người đọc đối với bất kỳ loại văn bản nào, giúp họ có được kiến thức một cách toàn vẹn nhất. Vì lý do này, SQ3R thích hợp với các đối tượng sau:
- Các thí sinh IELTS cần cải thiện kỹ năng đọc hiểu, đồng thời muốn lấy ý tưởng từ bài đọc để ứng dụng vào Writing và Speaking
- Người học nói chung gặp khó khăn trong việc hiểu các loại sách/báo tiếng Anh
- Độc giả yêu thích việc đọc sách, muốn thay đổi cách đọc sao cho chủ động và hiệu quả hơn
Nếu bạn đọc tìm thấy mình trong các nhóm đối tượng trên, hãy tiếp tục bài viết để hiểu rõ về phương pháp này và ứng dụng nó vào việc giải quyết vấn đề mình đang gặp phải.
Các bước thực hiện
Trong nội dung tiếp sau đây, tác giả sẽ đưa ra hướng dẫn chi tiết cách thực hiên phương pháp SQ3R theo từng bước.
Bước 1: Survey – Khảo sát bài đọc
Ở bước đầu tiên, người đọc bắt đầu xem qua tiêu đề chính và tiêu đề phụ. Sau đó, sử dụng kỹ thuật “skimming” để nắm tổng thể nội dung bài, chú ý vào các điểm nổi bật như các câu chủ đề, các chữ in đậm, in nghiêng, hoặc các biểu đồ (nếu có) trong từng đoạn. Bạn đọc cần dành tối thiểu 3 phút cho bước này để nắm sơ lược về kiến thức và thông tin được trình bày trong bài đọc.
Bước 2: Question – Đặt câu hỏi
Từ bức tranh tổng quan ở bước 1, bạn đọc bắt đầu tự đặt ra các câu hỏi liên quan đến nội dung bài. Những câu hỏi này có thể xuất phát từ tiêu đề và từ câu chủ đề của mỗi đoạn. Bạn đọc lưu ý tránh đặt ra các câu hỏi đóng (câu hỏi Yes – No), mà cần tập trung vào những câu hỏi mở, dự đoán về thông tin của bài, hoặc thông tin trong từng đoạn văn nhỏ.
Bước 3: Read – Đọc bài
Sau khi đã hoàn thành sự chuẩn bị kỹ lưỡng như trên, bạn đọc bắt đầu đọc kỹ nội dung bài để tìm ra câu trả lời cho những thắc mắc đã đặt ra ở bước 2. Bạn đọc lưu ý tập trung cao độ, tránh để mình sao nhãng ở bước này vì đây là giai đoạn quan trọng để độc giả thu thập thông tin một cách chủ động và hiệu quả nhất.
Bước 4: Recite – Thuật lại bài đọc
Đây là giai đoạn tốn nhiều thời gian nhất trong cả quy trình của phương pháp SQ3R. Cụ thể, sau khi đọc xong mỗi đoạn thông tin, người đọc cần trả lời các câu hỏi ở bước 2 bằng chính ngôn từ của mình. Bạn đọc lưu ý viết ra câu trả lời ngắn gọn, hoàn toàn không nhìn lại thông tin trong bài đọc, và chỉ bắt đầu viết câu trả lời khi đã đọc xong bài, hoặc ít nhất là xong từng đoạn nhỏ của bài. Ngoài ra, đối với những câu hỏi chưa thể trả lời được, bạn đọc cần xem lại bài đọc thêm lần nữa, cho đến khi có thể tự viết ra lời giải một cách hoàn chỉnh.
Bước 5: Review – Ôn tập
Cuối cùng, bạn đọc tổng hợp lại những gì mình đã học được từ các bước trên. Người học có thể dùng mindmap, sơ đồ, hoặc các từ khóa để gợi lại thông tin và kiến thức trong bài; lưu ý, phần ôn tập này cần lặp lại nhiều lần, có thể mỗi tuần một lần để não bộ có thể ghi nhớ lâu hơn lượng kiến thức đã thu thập, từ đó bạn đọc có thể vận dụng tốt hơn vào thực tế.